Morse là một trong những kỹ năng chuyên môn tôi được tiếp xúc sớm nhất. Hồi đó khi còn là Oanh Vũ đã được các anh chị tận tình chỉ dạy. Học Morse phải nói là khó, học Morse – thứ ngôn ngữ nhờn nhợn giống như bánh trôi cứ nuốt vào lại hểy ra :).
Tôi nhớ hồi đó rất khổ sở với với món “bánh trôi này”. Vừa mới học xong trong tuần đến CN phải trả bài thì lại quên mất, báo hại có khi tôi bị phát thụt dầu muốn xỉu luôn. Tuy nhiên điều kỳ lạ là khi đã học thuộc được nó rồi thì bạn chẳng bao giờ quên cả. Điều này cũng giống như chú Vãng Sanh hay bảng cửu chương vậy.
Trong dân gian vẫn thường lưu truyền nhau một bài vè Morse. Bài vè morse này tôi đọc cách đây rất lâu rồi, hồi đó như một thứ báu vật, giờ thì với sự bùng nổ của internet mọi người đều biết đến nó cả
Còi lâu một tit một tè
Ở xa nghe tưởng hò hè nhau chơi
Tra ra chữ morse rành rồi
E.I.S.H tit thôi một hồi
T.M.O.CH tè mà thôi…
Tuy nhiên bài vè này chỉ đọc chơi cho vui thực tế không giúp ít nhiều lắm. Hồi đó tôi mất khoảng 1 tuần để thuộc bảng Morse. Tôi học theo lối bảng đối xứng, nghịch đảo… gì gì đó. Bạn bè tôi có người học theo lối tháp Morse cũng rất mau thuộc. Tuy nhiên học thuộc bảng Morse chỉ là bước căn bản nhất trong quá trình học mã Morse. Để sử dụng thành thạo ngôn ngữ Morse không biết phải mất bao nhiêu thời gian vì tới giờ tôi vẫn còn đang “tu luyện” :)
Gọi Morse là ngôn ngữ cũng có cái lý của nó, nếu học Morse mà chỉ học từng ký tự rồi ghép lại với nhau thì chán lắm, rất mất thời gian và có gì bí mật? Có gì thú vị khi bạn truyền bản tin đi?. Hồi tôi còn là thiếu nam chúng tôi thường hay rủ nhau đi ăn chè sau khi đi sinh hoạt, truyền bản tin Morse thông qua còi với một số mật mã quy ước mà chỉ chúng tôi mới hiểu. Mọi người cùng nghe, cùng biết nhưng chỉ có một số ít người hiểu. Luôn luôn lắng nghe nhưng nghe hoài không hiểu. Cái hay ở đó!
Đối với cả người chuyển và người nhận ngoài việc học thuộc bảng Morse ra còn phải biết một số quy ước quốc tế như: AS (đợi một chút), IMI (gởi tin lại), K (sẵn sàng), N (không đồng ý), C (đồng ý)… Cách truyền tin này cực kỳ hữu ích vì khiến cho cuộc đối thoại không dài lê thê với những thông tin không cần thiết.
Tốc độ truyền tin trong Morse được đo bằng từ trên phút nhưng phổ biến hơn cả là ký tự trên phút. Theo kinh nghiệm của tôi ở cấp độ 1 người học Morse có thể nhận bản tin ở tốc độ 40 ký tự/phút, cấp độ 2 khoảng 60 ký tự/phút; cấp độ 3 khoảng 80 ký tự/phút. Truyền tin bằng còi có rất nhiều hạn chế về tốc độ vì phụ thuộc vào kỹ năng của người truyền tin.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được cầm còi, tôi hiên ngang thổi một hơi thật mạnh nhưng hỡi ơi tiếng kêu phát ra giống như tiếng ống thổi bể vừa chói tai vừa đầy hơi gió. Kinh nghiệm này chắc nhiều bạn cũng biết. Để sử dụng còi đạt đến nghệ thuật, bạn phải tập cách giữ hơi và cách điều khiển làn hơi của mình sao cho không bị gián đoạn và ít mệt. Để làm được điều này bạn phải biết sử dụng phương pháp “đánh lưỡi”. Đánh lưỡi tức là dùng đầu lưỡi để đóng mở luồng hơi bị đứt đoạn. Tiếng còi do luồng hơi tạo nên nhưng lưỡi đóng vai trò như một chiếc van điều tiết. Hiệu quả của việc đánh lưỡi là tiếng còi vừa đanh vừa gọn không kèm theo hơi gió khiến người nhận tin dễ dàng hơn rất nhiều.
Những Huynh trưởng lâu năm nhiều kinh nghiệm đều biết rằng kỹ năng sử dụng còi là một tuyệt chiêu không thể không học. Trong một cuộc trại tiếng còi cất lên đúng lúc sẽ là niềm khích lệ động viên vô cùng to lớn cho người chơi. Trong một vòng tròn, tiếng còi khi khoan thai, lúc dồn dập, lúc kéo dài, lúc chậm rãi, lúc rầm rập như tiếng quân đi lúc lại nhẹ nhàng uyển chuyển khiến cho tâm hồn người chơi cũng phiêu du lên xuống hòa lẫn vào nhịp điều của trò chơi.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét