Ngày 16.12.1969, Thượng toạ Thích Thiện Hoa - Viện Hoá Đạo GHPGVNTN đã ký quyết định số 0176/VHĐ/VP/QĐ. “Nay trân trọng thiết lập ngày kỷ-niệm (ngày 8.12.ÂL) pháp định các vị Tăng-sĩ, Cư-sĩ Tiền-bối thuộc Nam Bắc Tôn tại Nam Trung Bắc, hữu công trong Phong trào Chấn- hưng Phật-giáo Việt-Nam, trong hậu bán thế-kỷ 20”.
GĐPT Việt Nam tổ chức Đại lễ Hiệp kỵ và Trai Đàn chẫn tế được tổ chức lần đầu tiên vào các ngày 31.7.1973 và ngày 01.8.1973. Đến năm 1980, BHD GĐPT Gia Định Tổ chức Đại lễ Hiệp kỵ và Trai đàn chẫn tế được tổ chức liện tục trong 3 ngày 24, 25 và 26.08.1980 tại Tu viện Quảng Hương Già Lam. Sau đó các BHD khác cũng tổ chức Hiệp kỵ. Đặc biệt trong giai đoạn này BHD GĐPT Lâm Đồng tổ chức Hiệp kỵ tại Tổ đình Linh Sơn, có rất nhiều Huynh Trưởng và Đoàn Sinh khắp cả nước về tham dự.
Đến năm 1999 lần đầu tiên sau năm 1975, BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam lấy ngày Húy nhật của Bác Tâm Minh Lê Đình Thám, làm ngày Hiệp kỵ của GĐPT Việt Nam.
Chiều ngày 06.03.Nhâm Thìn (15.04.2013), Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam cung thỉnh ban Kinh sư Tu viện Quảng Hương Gìa Lam cúng tiên thường, Đại bái cúng tiên thường Huynh trưởng Cấp Dũng Phó Trưởng Ban - Như Thật Nguyễn Công Minh cùng quý anh chị trong Thường Vụ TƯ cùng một số Huynh trưởng của các Tỉnh.
8h30 ngày 07.03.Nhâm Thìn (16.04.2013), BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tiến hành tổ chức Lễ Hiệp kỵ, trước khi vào chánh Hiệp kỵ, Quý anh chị Trưởng Phó ban, Hội đồng Huynh trưởng Cấp Dũng, Ủy viên, phụ tá Ủy viên, Đại diện Miền, cùng các BHD GĐPT các Tỉnh thị: Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam 1, Quảng Nam 2, Bình Định, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cam Ranh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước , Bà Rịa Vũng Tàu, Gia Định, Quảng Đức Sài Gòn, Biên Hoà, Tây Nam Phần, Đăk Lăk, Đăc Nông, Ban chấp hành Cựu Huynh trưởng GĐPT Việt Nam, BHD GĐPT Việt Nam trên Thế Giới, cùng toàn thể Huynh trưởng và Đoàn sinh trên toàn quốc, đến đảnh lễ, tưởng niệm, nhiễu quanh Bảo Tháp Tổ khai sơn Tu viện Quảng Hương Già Lam, Đệ tam Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, Ân sư GĐPT Việt Nam.
Đến 9h00 thể lam viên GĐPT Việt Nam tề tựu trước linh đường cung thỉnh Hòa thượng Thích Đức Chơn - Thượng thủ, Hoà thượng Thích Minh Chiếu - Phó Thượng thủ, Hoà thượng Thích Kiến Tánh - Giám Luật trong Hội đồng Tăng già Chứng minh, Chư Tôn thiền đức trong Ban Thường trực - Hội đồng Cố vấn Giáo hạnh GĐPT Việt Nam, Chư Tôn Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật Tử các Tỉnh thị, cùng Ban Kinh sư quang lâm Đàn tràng chứng minh Đại lễ Hiệp kỵ.
Đại lễ Hiệp kỵ năm Quý Tỵ (2013) có rất nhiều Tăng, Ni gốc GĐPT Việt Nam cũng về tham dự. Các BHD các Tỉnh thị đầy đủ, số lượng Huynh trưởng và cựu Huynh trưởng, quý Bác Ban bảo trợ lên khoảng 500 người.
Ban Tổ chức cung thỉnh Hòa thượng chứng minh niêm hương bạch Phật, kế tiếp là phần dâng Lục cúng do BHD GĐPT Gia Định đảm trách “Lục cúng với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên. Nếu có Lục Cúng Hoa Đăng được diễn trong đêm có tổ chức Đàn Chẩn Tế với ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc”.
Ban kinh sư tổ chức Lễ Kỳ siêu – Thỉnh Linh an toạ.
Bài ca chính thức của GĐPT Việt Nam “Sen Trắng” được toàn thể lam viên đồng loạt nghiêm trang cất cao tiếng hát, tưởng niệm Chư Ân sư, Cố vấn, Sáng lập, Chư Thánh tử đạo, Gia trưởng, Huynh trưởng, Đoàn sinh quá cố đã trọn đời phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
Đặc biệt trong Lễ Hiệp kỵ năm nay, kỷ niêm 50 năm pháp nạn Phật Giáo Việt Nam.
Lời cảm niệm của Anh Trưởng ban Ban hướng dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam “… Rồi nhân duyên bất thuận! Đất nước điêu linh, dân tộc Việt Nam chìm trong cảnh xâm lăng, quê hương từng ngày dặm dài gian khó, tà kiến tăng trưởng, ngoại đạo thịnh hành, toàn dân tộc nổi lòng canh cánh: giữ nền đạo lý, vững chắc gia phong, thoát cảnh long đong ngoại bang nô dịch. Giữa buổi ngã nghiêng, thuyền từ chuyển đạo, chấn hưng Phong trào, Phật giáo khai thông, dẫn dắt hậu côn biết nẻo chánh tà, quy tụ Tăng, tục cùng nhau tu tập, dựng Trường Hương, Khai giảng đường, mở tùng thư ấn hành sách Phật, lập Tạp Chí rộng truyền chánh đạo, dựng Gia Đình Phật Tử tựa nương, lý tưởng nhà Lam tuổi trẻ có đường, sống chánh hạnh, trung kiên cùng lý tưởng.
Và rồi chướng duyên khảo đảo, Phật giáo lâm kỳ Pháp nạn.
Nhớ lại 50 năm trước:
Tháng tư ngày mồng tám, trước Tổ truyền cho các vị Tôn sư, tháng bốn bữa hôm rằm, theo quốc tế định kỳ Đản phật. mùi hương bát ngát, khắp nhân gian sen nở bốn phương, ánh sáng tưng bừng đầy vũ trụ cờ giăng năm sắc. Nào ngờ đâu thường kỳ Vía Phật, lệnh chánh quyền triệt hạ Phật giáo kỳ, xôn xao bừng dậy thấu trời, nổi lòng đau khôn tả cùng nước non. Rồi! Ai hay nổi, đêm rằm kéo đi dự thính, đài phát thanh máy tắt, khiến gây nên sấm dậy đất bằng, lớp người khó nổi đón ngăn, màn bạo lực bủa giăng, đành luống chịu xương rời, thịt nát. Thảm thương thay! Bảy, tám em chết oan, chết ức, em gãy xương, em nát óc, xót can trường khốn thở, khốn than. Mấy mươi người sống tật, sống tàn, kẻ hỏng trán, kẻ trầy da, thắt gan dạ nổi lòng chua xót. Pháp nạn bủa trùng, Tăng Già Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, bình bát nghỉ, trượng tích rơi, nguyện tuyệt thực khiến bao người tuyệt thực, bất bạo động tỏa nguồn uy lực, Quảng Đức Thánh Tăng lửa đỏ kết tim hồng, Thượng tọa Tiêu Diêu, Đại Đức Quảng Hương, hành Dược Vương cúng dường Chánh Pháp, Sư Cô Diệu Quang, Huynh Trưởng Yến Phi, Nguyễn Thị Vân, Quách Thị Trang, rạng ngời Giáo Sử thiêu thân mình cho Phật pháp xương minh. 57 vị Thánh Tử Đạo Anh Linh, được giáo hội tri ân tưởng niệm. Trong đó áo lam dấn thân vô úy, cùng Thầy, cùng Anh thân mạng chẳng xá gì, vẫn can cường trong từng bước chân đi, ngồi an nhiên trong từng thời tuyệt thực ...”
Đạo từ của Hoà thượng Phó Thượng thủ Hội đồng Tăng già Chứng minh “Hôm nay là ngày Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam, Lễ Huý Nhật Cư Sĩ Sáng lập Viên GĐPT Việt Nam - Tâm Minh Lê Đình Thám đãi lao Hòa thượng Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh, tán thán quý bậc Tăng Ni xuất thân từ Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tán thán quý anh Chị Em GĐPT VN đã vượt qua khó khăn, duy trì tổ chức sinh hoạt… Hoà Thượng nhắc lại công đức của Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám:
-Bác sĩ Lê Đình Thám được bạn bè và những người đồng liêu đánh giá là người làm việc rất tận tụy, quên mình. Đối với các bệnh nhân, ông đối xử ân cần, bình đẳng, không phân biệt địa vị xã hội, người giàu, kẻ nghèo…
-Vào thời gian làm việc tại bệnh viện Hội An năm 1926, khi đi tham quan thắng cảnh chùa Tam Thai (thường gọi là chùa Non Nước), Đà Nẵng, bác sĩ đã đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng khắc trên vách chùa:
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Đó là cơ duyên đưa Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đến với đạo Phật.
- Năm 1932, vâng lời của Chư tôn Thiền đức những người tha thiết với đạo, có địa vị và uy tín trong xã hội, đã đi đến việc thành lập Hội An Nam Phật Học (ANPH
- Năm 1933, mở trường ANPH tại chùa Vạn Phước, sau đó dời về chùa Báo Quốc do HT. Trí Độ làm Đốc giáo. Năm 1935, mở trường Sơn Môn Phật Học, lớp Đại học mở tại chùa Trúc Lâm do HT. Giác Tiên làm Giám đốc; lớp Trung học mở tại chùa Tường Vân do HT. Tịnh Khiết làm Giám đốc. Bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám là người mẫn tiệp, uyên thâm triết học Đông-Tây, nhất là về Kinh Luận, do vậy được Chư vị Cao Tăng mời dạy các trường nói trên. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (tập III), trang 89 có ghi: “Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ XX đã dự phần vào việc đào tạo Tăng tài. Phật học của Ông được các bậc Tôn túc công nhận là thâm uyên, cho nên Ông đã được mời vào giảng dạy trong các Phật học đường Trúc Lâm và Tường Vân…”. Mặc dù có một kiến thức cao rộng, nhưng cung cách của bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám rất khiêm nhã và trân trọng, mỗi lần có giờ giảng, bác sĩ luôn mặc áo tràng và đảnh lễ Chư Tăng trước khi lên bục giảng. Tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc gồm có các Học Tăng tiêu biểu như Thiện Siêu, Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Hoa, Trí Tịnh, Nhật Liên… Chư vị này về sau trở thành những vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp, lèo lái con thuyền Phật giáo Việt Nam vượt qua phong ba bão táp trong thời kỳ bị chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp năm 1963.
- Nhà sáng lập các tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử: Vào ngày 14 tháng 8 năm 1938, trong kỳ Đại hội đồng của Tổng hội ANPH tại Huế, bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đã phát biểu: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”. Một câu nói xuất phát từ suy nghĩ sâu xa và có tầm nhìn chiến lược mà sau đó đã hình thành các tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử. Bắt nguồn từ mối quan tâm trên, vào mùa Thu năm 1940, bác sĩ Tâm Minh - Lê Đình Thám đã thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục (ĐTNPHĐD) do đích thân bác sĩ điều khiển. Đoàn Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục thành lập Phật học Tùng thư để xuất bản kinh sách mà phần lớn do Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục biên soạn. Ngày Phật đản 8 tháng 4 năm Giáp Thân - 30.04.1944 (đến năm 1952 mới thống nhất làm lễ Phật đản vào ngày Rằm tháng Tư theo Nghị quyết của Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới), Đại hội Thanh Thiếu niên Phật tử tại rừng Quảng Tế, Huế, đã đi đến thành lập Gia đình Phật Hóa Phổ (GĐPHP). Các GĐPHP đầu tiên gồm có Gia đình Tâm Minh (do bác sĩ Lê Đình Thám là Phổ trưởng); Gia đình Thanh Tịnh (do bác sĩ Tôn Thất Tùng làm Phổ trưởng); Gia đình Tâm Lạc (do bác Phạm Quang Thiện làm Phổ trưởng) và Gia đình Sum Đoàn (do bác Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng). Đến năm 1951, đại hội GĐPHP tại chùa Từ Đàm, Huế đã quyết định đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử, như vậy GĐPHP là tiền thân tiếp cận của Gia đình Phật tử Việt Nam.
Đến 10h00, Ban kinh sư tiến linh, nguyện thập phương Thường trụ Tam bảo, Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn chư anh linh, chơn linh, hương linh siêu sanh tịnh độ.
Chị Phó Trưởng Ban Diệu Lãng Nguyễn Thị Nguyệt thay mặt Ban tổ chức dâng lời tri ân Chư Tôn thiền đức quang lâm đàn tràng chứng minh, chân thành cảm tạ tòan thể quý bác trong Ban bảo trợ cùng toàn thể áo Lam bốn phương ủng hộ tịnh tài, tịnh vật để Đại lễ Hiệp kỵ thành công viên mãn.
Cung thỉnh Chư tôn thiền đức hồi liêu phương trượng. Toàn thể Lam viên thọ trai trong tình thương yêu, gắn bó, đồng tâm hiệp lực xây dựng mái nhà Lam ngày càng bền vững.
Ban Biên Tập
Lễ Tiên Thường
Lễ Hiệp Kỵ
Anh Trưởng ban BHD TƯ dâng hương tưởng niệm
Phái đoàn BHD GĐPT Gia Định
Phái đoàn BHD GĐPT Ninh Thuận
Phái đoàn BHD GĐPT Lâm Đồng
Phái đoàn BĐH GĐPT Tây Nam Phần
Phái đoàn BHD GĐPT Biên Hoà
Phái đoàn BHD GĐPT Bình Thuận
Phái đoàn BHD GĐPT Bà Rịa - Vũng Tàu
Phái đoàn BHD GĐPT Dak Lak
Phái đoàn BHD GĐPT Cam Ranh
Phái đoàn BHD GĐPT Đồng Nai
Phái đoàn Miền Vạn Hạnh (GĐPT Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 1, Quảng Ngãi)
Phái đoàn BHD GĐPT Bình Định
Các Huynh trưởng đãi lao HT Thích Hạnh Hải tưởng niệm
Phái đoàn BHD GĐPT Quảng Nam II
Phái đoàn BHD GĐPT Bình Phước
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét