50 năm Pháp nạn 1963: Nhìn từ một vài ý kiến
Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013
Thích Thanh Thắng
Họ đã sống một cuộc đời đáng sống như thế! Còn chúng ta bây giờ thì sao, chỉ có tủi hổ không thôi, hay còn là rất hèn nữa?
Sau khi nhận được thông tin về cuộc Hội thảo khoa học do Trường Đại học KHXH&NV TP.Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh “đồng chỉ đạo”, “đồng tổ chức”, và dự kiến đưa về một khu du lịch nào đó ở Bình Dương, cá nhân tôi đã cảm thấy rất thất vọng, vì Giáo hội đã không thể làm chủ được một hoạt động chính danh và chính nghĩa của mình.
Cũng có ý kiến cho rằng, phải quyết định vội vàng như vậy, vì có ai “bật đèn xanh” cho đâu mà tổ chức, nên thà có tổ chức còn hơn không.
Tôi đã từng nêu ý kiến trước cuộc họp thường niên của Hội đồng Trị sự giữa năm 2012, tức cách đây gần 1 năm, rằng Giáo hội cần nên lưu ý tổ chức các sự kiện lớn của Giáo hội vào năm 2013, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử và tố chức Đại lễ Phật đản cho xứng tầm.
Nhưng có lẽ do gần đến kỳ bầu bán nước rút của Đại hội Phật giáo toàn quốc, nên việc chung có quá ít người quan tâm, hay có quan tâm đi chăng nữa, nhưng sợ nói ra không biết ý tứ “cấp trên” thế nào, mà ảnh hưởng tới “sự nghiệp” của mình.
Điều đáng nói, đối với những vụ sắp đặt nhân sự, một số người lại khẳng định, lần đầu tiên, Giáo hội được quyền tự quyết về mặt nhân sự, chính quyền không thể can thiệp vào việc “nội bộ” này.
Nghe thế, tôi vừa mừng, vì cái quyền tự quyết ấy “hùng tráng” quá, nhưng cũng lại vừa lo, vì có phải như thế không, hay “nói dzậy mà hổng phải dzậy”.
Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao Giáo hội của chúng ta lâu nay cứ mãi luẩn quẩn với chuyện “có còn hơn không ấy”, theo kiểu nhận thức gạo nếp, gạo tẻ, gạo tấm, gạo cám, gạo nào thì cũng là gạo. Và một nỗi khổ nữa là không biết mình có quyền gì, được làm gì, nên cứ ám ảnh “đèn xanh, đèn đỏ”.
Do cả tin vào “đèn” mà không biết đôi khi nó cũng bị chập điện, nhẽ ra phải bật đèn xanh để thông luồng thì lại nhảy đèn đỏ loạn cả lên, gây ngán ngẩm!
Xin quý vị bình tĩnh, tôi nói vậy để nhìn thẳng vào cái chung và cái riêng của cái quyền “tự quyết” ấy, để đứng trước sự kiện tổ chức 50 năm Pháp nạn lịch sử, người ta không thoái thác rằng, về việc bầu nhân sự, thì Giáo hội có toàn quyền “tự quyết”, còn về tổ chức 50 Pháp nạn lịch sử, thì không biết do đâu Giáo hội lại mất quyền “tự quyết”.
Chết chửa, quyền “tự quyết” mà cũng biết đổi màu hay sao, hay vì cái riêng đều đã đạt mục đích hết cả rồi?
Tôi không nghĩ những người đứng đầu Nhà nước, hay quản lý nhà nước về mặt tôn giáo lại ấu trĩ tới mức không cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam được tổ chức sự kiện có ý nghĩa có một không hai này đối với Phật giáo Việt Nam và tăng ni Phật tử cả nước. Bởi một khi ngọn cờ chính nghĩa sáng ngời của một tôn giáo hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, để cho người khác nắm và phất lên, thì bộ mặt của Giáo hội này biết phải giấu vào đâu?
Hơn nữa, bao nhiêu cái tốt đẹp của phong trào này thì Giáo hội cố gắng nhặt nhạnh, lấy làm niềm tự hào cho mình, từ hình ảnh sáng ngời của Bồ tát Thích Quảng Đức đến các phong trào xuống đường của tăng ni, Phật tử ở miền Nam trước 1975, nhưng đến lúc cần phải có một lời tri ân và báo ân cho nghiêm túc, đàng hoàng, đĩnh đạc thì giả đò quay mặt làm ngơ là cớ vì sao?
Tôi chỉ xin dẫn lại nguyên văn ý kiến của anh Nguyễn Kha trong bài viết “Thất vọng về hoạt động đầu tiên kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963” của anh Minh Thạnh:
“Xin các Thầy lãnh đạo Giáo hội đừng tổ chức những hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu, mở đầu cho cơn trở mình hùng tráng của Phật giáo VN sau gần 200 năm trời đắm chìm trong giấc ngủ mộng mị. Xin quý Thầy đừng làm gì hết vì sẽ có bên Công giáo và nhóm Phục hồi Tinh thần Ngô Đình Diệm làm dùm rồi. Xin quý Ngài cứ ngồi yên, hít vào thở ra và xây chùa, đợi đến ngày 1-11 năm nay, khi họ tổ chức tưởng niệm 50 năm ngày chế độ của họ bị lật đổ, họ sẽ nói về Phật giáo, về Thầy Quảng Đức... dùm cho chúng ta! Amen. Có một Phật giáo Việt Nam ở Việt Nam không, thưa quý Thầy Lãnh đạo?”.
“Có một Phật giáo Việt Nam ở Việt Nam không, thưa quý Thầy lãnh đạo?” là câu hỏi đau xót nhất vào thời điểm này. Còn việc Nhóm phục hồi tinh thần Ngô Đình Diệm “làm giùm”, thì lại không có gì mỉa mai hơn, bởi ai từng theo những dõi thông tin tràn ngập trên các trang mạng, thì thấy ngay, họ đang ra sức biến hình ảnh một bạo chúa, thành minh quân, thậm chí thành anh hùng của dân tộc.
Nhà nước không muốn Giáo hội tổ chức, hay thực tế chẳng phải vậy, mà do chúng ta đang cố tình vứt bỏ vai trò chính nghĩa của mình, để mặc cho “thần hồn nhát thần tính”, tự giăng lưới bủa vây mình và vẫn chỉ lòng vòng với chuyện xưa như trái đất: “đồng sàng dị mộng”? Nhạy cảm lắm, đụng vào “63” không khéo mất điểm, chả “thăng” tiếp được?
Ở đây, chúng ta lưu ý, có những dạng ý kiến ngụy luận lẻn vào diễn đàn này để tung hỏa mù, cho rằng tổ chức 50 năm Phán nạn 1963 là “chia rẽ dân tộc” (sic).
Vậy Nhà nước tổ chức kỷ niệm giải phóng miền Nam là gì? Cần phải biết, tổ chức 50 năm Pháp nạn 1963 là nêu cao đạo lý ứng xử của dân tộc trên tinh thần từ bi, bất bạo động của Phật giáo, để cảnh tỉnh lương tâm mọi người đừng lặp lại những sai lầm tàn bạo, mất nhân tính đó. Lương tâm tôn giáo càng không cho phép tái diễn những cảnh tượng ấy.
Nhân đây, tôi cũng xin mạo muội dẫn lại thư của GS Cao Huy Thuần mới gửi cho tôi: “Từ năm ngoái tôi đã thỉnh cầu quý Thầy ở Huế phải tổ chức kỷ niệm 1963. Rồi từ mấy tháng nay tôi cố hết sức động viên quý Thầy, nhưng cho đến nay vẫn chưa động tĩnh gì. Chẳng lẽ “người ta” không cho thì mình cũng không dám kỵ giỗ cha mình? Tôi vừa đọc bài của tác giả Minh Thạnh. Làm sao thổi hơi sống cho quý vị, kẻo tủi hổ quá!”.
Thế đấy! Vì đâu “Gã cùng tử” chẳng dám thừa nhận người cha của mình? Cứ đọc lại lịch sử 1963 để biết, những con người đã đặt mình ra ngoài lẽ sinh tử thường tình, dấn thân cống hiến và làm rạng danh Phật giáo nước nhà, cũng mới chỉ ở cái tuổi gần 40.
Hình ảnh đó được anh Nguyễn Kha ví rất hình tượng, rằng đó là một “cơn trở mình hùng tráng… sau gần 200 chìm đắm trong giấc ngủ mộng mị” của Phật giáo Việt Nam. Họ đã sống một cuộc đời đáng sống như thế! Còn chúng ta bây giờ thì sao, chỉ có tủi hổ không thôi, hay còn là rất hèn nữa?
Phải nói một cách thẳng thắn rằng, không ai (“người ta”) nào lại dại dột đến mức làm giảm uy phong, chính nghĩa của một Giáo hội đang đại diện cho tiếng nói của tăng ni, Phật tử cả nước, bằng hành động không đồng ý cho tổ chức kỷ niệm 50 năm phong trào 1963 như thế cả.
Bởi bất kể chơi với người bạn nào, một khi đã đồng hành trên con đường gập ghềnh, dài xa, đầy gian nan thử thách phía trước, thì không chỉ dắt dìu, nương tựa nhau, mà còn phải biết khuyên bảo nhau cẩn thận nhớ đừng sử dụng gậy mục mà té ngã không đứng dậy được.
Vẫn biết nhận thức là cả một quá trình, nhưng tăng ni, Phật tử luôn cảm phục với những lãnh đạo Giáo hội biết nhìn thẳng vào sự thật mà sửa sai, biết quy tụ trí tuệ của tăng ni, Phật tử cho các Phật sự chung.
Và để kết thúc bài viết này, một lần nữa tôi vẫn xin đặt ra câu hỏi: Cái quyền “tự quyết” rất “hoành tráng” và cũng rất “ồn ào” trước Đại hội Phật giáo toàn quốc đâu rồi? Có ai trả lời được giùm cho tăng ni, Phật tử cả nước biết hay không?
Diễn đàn gdptthegioi.org
Tags:
STAL,
Tin Phật Giáo,
TIN TỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét