Năm 1973 Giáo Hội Phật Gíao Việt Nam Thống Nhất tổ chức Đại Lễ kỷ niệm Đức từ phụ Đản Sanh , lễ đài được xây dựng tại ngã bảy Chợ Lớn ( nay đầu đường Điện Biên Phủ – đối diện với Việt Nam Quốc Tự ).
Ban Tổ Chức Đại Lễ Phật Đản PL 2517 được thành lập trên cơ sở đồng thuận của các Gíao Hội hiện đang hoạt động tại đất nước Việt Nam , Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã đạt thư mời đến các Giáo phái Phật Giáo Việt Nam .
Ngày 08.04.1973 tại Chùa Ấn Quang với sự tham dự của liệt vị Trưởng lão Tôn Túc trong các Giáo phái: Hòa thượng Tăng Thống Giáo Hội Lục Hòa Tăng,Hòa Thượng Phó Tăng Thống Phật Giáo Cổ truyền Việt Nam, Hòa Thượng Phó Tăng Thống Phật Giáo Theravada nguyên Thủy Việt Nam, Hòa Thượng Pháp Chủ Thiền Tịnh Đạo Tràng, Hòa Thượng Nhựt Minh Chủ tịch Hội Linh Sơn nghiên cứu Phật học, Thượng Tọa Giác Nhiên Trị Sự Trưởng Giáo Hội Du Tăng Khất sĩ Việt Nam , Hòa Thượng Tắc Nghi Trị sự trưởng Thiên Thai Giáo Quán cùng chư vị trong Hội Đồng Viện Hóa Đạo, buổi họp đặt dưới quyền Chủ Tọa của Thượng Tọa Thích Thiện Minh Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, sau đó sẽ họp tại Chùa Linh Sơn và Vĩnh Nghiêm để thành lập ban tổ chức .
Đến ngày 26.04.1973 ban tổ chức đã bầu xong, và làm việc ngay sau khi đã cung an chức vị.
Tối ngày 14 tháng 4 năm Quý Sữu ( 1973 ) BHD Thủ Đô Sài Gòn triệu tập toàn thể Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Ngành Thiếu rước đuốc từ Chùa Ấn Quang đến ngã tư Phan đình Phùng & Lê Văn Duyệt ( Nơi Hòa Thượng Quảng Đức tự thiêu ) .
Gần 18 H 30 những ngọn đuốc được thắp sáng và sắp hàng thứ lớp dưới sự điều khiển của AnhTrưởng Ban Hướng Dẫn Thủ Đô Sài Gòn , tay Anh cầm Micro điều khiển đội hình di chuyển , đó cũng là lần đần tiên Tôi được biết Anh Như Tâm - Nguyễn Khắc Từ Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Thủ Đô .
Toàn thể Huynh Trưởng và Đoàn Sinh GĐPT đi bộ cầm đuốc , xe hoa rất tưng bừng , trang nghiêm , náo nhiệt và từ đó đến nay Tôi chưa được dự thêm một buổi Lễ Phật Đản nào trang trọng , hoành tráng , quy mô như Đại Lễ Phật Đản năm 1973.
Mùa Thu năm đó Tôi tham dự Trại Huấn Luyện Anoma – Niliên do Ban Đại Diện Quận 11 tổ chức , trong Trại Huấn Luyện đó Tôi được phát một tập tài liệu quay bằng Ronéo “ Cẩm nang hướng dẫn Tổ chức Trại Huấn Luyện Đội Chúng Trưởng, hiện nay tôi đang giữ độc bản chưa có dịp công bố ” Tôi đọc từng trang mới biết tác giả là Anh Như Tâm , sau đó Tôi đã được đọc những cuốn tài liệu do Anh Nguyễn Khắc Từ viết : Đội Trưởng , Nội Quy – Quy Chế (ấn bản do BHD Thủ Đô Sài Gòn và BHD Gia Định in ấn và phát hành ), Trò Chơi , Gia Trưởng , Hành Chánh v.v….
Đến năm 1975 cũng lại ngày Phật Đản Tôi lại gặp Anh tại Lễ đài ngay trước Chùa Ấn Quang nhưng sau đó Tôi không còn gặp Anh nữa .
Đến năm 1979 về sinh hoạt với GĐPT Chánh Thọ lúc này Tôi lại gặp Anh . Hàng tuần Anh đạp xe đạp Mini đến Gia Đình Chánh Thọ dạy cho Huynh Trưởng, bài học ấn tượng nhất đối với Tôi là bài “ Đạo Phật hiện đại hoá của Thiền Sư Nhất Hạnh ” ( ấn tượng là vì : lúc thời bấy giờ tinh thần rất hoảng loạn mà vẫn bình tâm ngồi nghe Anh dạy , hơn nữa quyển sách “ Đạo Phật hiện đại hoá của Thiền Sư Nhất Hạnh ” được in trước năm 1975 lúc đó ra đường Lê Lợi mua đến 12 đồng bằng ¼ tháng lương ) sau đó Anh giới thiệu Anh Trần Ngọc Giao , Anh Hoàng Trọng Cang về giảng dạy và Anh chính thức nhận chức vụ Gia Trưởng GĐPT Chánh Thọ năm 1982 cho đến khi qua đời .GĐPT Chánh Thọ nhờ sự đồng tâm hiệp lực của một số Huynh Trưởng : Anh Thiên , Chị An , Cường , Phụng , Thiệu , Văn , Mai , Dung . đưa Gia Đình vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của mình , phải kể đến công sức của Anh Như Tâm đã giáo dục , huấn luyện , rèn luyện , chỉ từng công việc làm ,xây dựng chương trình , kế hoạch , sửa từng câu trong các bài tác bạch , hay diễn văn , hướng dẫn cho chúng tôi tổ chức , thực hiện sổ báo hiếu , Lễ báo hiếu , đốt từng ngọn đuốc cho từng Huynh Trưởng mà Anh Em chúng Tôi đủ trí tuệ , nghị lực , sức mạnh vượt qua chông gai , hiểm trở , quyết giữ niềm tin ở Tổ Chức , duy trì mạch sống của tổ chức cho đến ngày hôm nay .Trong thập niên 80 Anh cùng Anh Tú , Anh Để thường xuyên đi khắp nơi , để tổ chức các khóa tu học , Trại Huấn luyện và chính nhờ những Trại Huấn Luyện đó mà ngày hôm nay đã có một lực lượng Huynh Trưởng kế thừa tương đối hùng hậu , do vậy trong tài liệu sơ lược Lịch sử GĐPT Thủ Đô – Sài Gòn ( nay BHD Quảng Đức – Sài Gòn ) chúng tôi đã phân chia giai đoạn của lịch sử sau 1975 như sau :
- Giai đoạn 1975 – 1978 Tinh Thần thống nhất do Anh Nguyên Y Lương Hoàng Chuẫn khởi xướng .
- Giai đoạn 1979 – 1992 Tinh Thần rèn luyện Huynh Trưởng tự tu học do Anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ đề xướng .
Đến cuối năm 1992 mặc dù nằm trên giường bệnh vẫn mang hoài bảo phục hồi sinh hoạt các đơn vị GĐPT trong nội thành Thành Phố HCM . Anh cho tập họp các Anh Chị Em đến dặn dò “ bây giờ tình hình có phần sáng sủa , các em tìm lại những Huynh Trưởng rải rác đó đây tụ hội về , khi nào thuận duyên sẽ hồi sinh các GĐPT Sài Gòn . Ước nguyện chưa thành thì Anh vội ra đi ”
Ngày Anh đi hàng vạn trái tim khóc nức nở , tiếc nuối một Thạch Trụ nhà Lam đã gảy , một góc núi Thái Sơn sụp đổ :
“ Dâng lên nén tâm hương với muôn lòng thành kính
………………………………………………………..
Như Tâm Nguyễn Khắc Từ Anh đi vào Lam sử ”
Ngày tiễn đưa Anh cũng là ngày những đoá Sen Lam Sài Gòn sống lại ,
Hôm nay viết về Anh người Anh áo Lam cao cả .Em xin đốt nén tâm hương nguyện cầu cho Anh yên nghĩ ở cỏi bình yên . Con đường đi sắp tới còn lắm chông gai , hiểm trở , nhưng đạo tâm kiên cố , chí nguyện vững bền , với ý chí tiếp bước , kế thừa sự nghiệp quý Anh Chị tiên phong đã dày công khai sáng , gìn giữ truyền thống hơn nữa thế kỷ qua .
Chúng Em nguyện với Anh , vì sứ mệnh thiêng liêng , mục đích cao cả hướng thượng ,niềm tin vào chánh pháp , quyết tâm đi trọn con đường của Anh đang còn dang dở với tâm nguyện bất thối chuyển .
QUẢNG THÀNH
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét