Lời khai thị của Hòa Thượng Viện Chủ nhân ngày kỷ niệm đức Phật xuất gia mùng 8 tháng 2 năm Mậu Dần
Hằng năm đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, Phật tử khắp nơi thành khẩn làm lễ kỷ niệm ngày xuất gia của thải tử Sĩ Đạt Ta. Dù cách nay đã 25 thế kỷ, mà ý nghĩa ngày xuất gia vẫn còn in đậm trong
tâm tư mọi người con Phật. Một lần ra đi, Ngài đã thành công rực rỡ, vang động bốn phương, âm hưởng vẫn còn đến ngày nay, cũng như vô tận thời gian về sau. Là Thích tử con Phật, chúng ta cũng xuất gia như Ngài, lẽ nào lại thua kém. Nếu cho rằng Ngài đã nhiều kiếp tu hành, không phải một vài kiếp như trong sử đã nói, thì chúng ta, hoặc được như Ngài, hoặc phải chứng được quả vị Bồ Tát, hay quả vị Thanh
Văn. Cùng cực lắm cũng phải được cái hạnh “Xuất trần thượng sĩ, phi tích cao tăng”. Có mấy ai trong chúng ta, trong khoảng đời tu đã qua, tự so sánh mình như thế chăng ? Chắc là hiếm lắm. Do đó kỷ niệm ngày thái tử Sĩ Đạt Ta xuất gia nhằm nhắc nhở hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia noi theo gương sáng của Ngài để tu, để tiến.
Người tu hành phải ôm trong lòng hoài bảo một ngày kia mình đạt thành chánh quả. Thái tử Sĩ Đạt Ta cũng đã nhiều lần thao thức.
- Ngày nay tuổi đã lớn rồi,
- Sao không nhớ lại những lời nguyện xưa.
- Xin tu chứng đạo chơn thừa.
- Trần gian vẩn đục say sưa làm gì.
- Ngài còn lần lựa thế thì,
- Chúng sanh ngu dại ai vì bảo ban.
- Mau mau mở lối niết bàn,
- Khêu đèn trí tuệ, vén màng vô minh’.
Ngày Thái Tử xuất gia, tuổi Ngài cũng đã lớn rồi. Trong đại chúng hiện tọa đạo tràng, tuổi ai cũng đã lớn cả, không ai đồng ấu xuất gia như chú Minh Hạnh, vậy có được niềm thao thức như đức Phật chăng ? Có tự nhắc nhở mình nhớ lại những lời nguyện xưa không ? Lời nguyện tu chứng đạo chơn thừa, đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác ? Ngài tự nhủ, vương vấn chi trần gian vẩn đục, sao không thoát ly ? Đời là bể khổ mênh mông, sao cứ lần lựa, ngày tháng trôi qua. Chúng sanh mê muội, sống như mộng, ai sẽ là người bảo ban, che chở. Niềm thao thức đó phát xuất từ tình thương bao la của Ngài, thúc dục Ngài mau mở lối Niết bàn, khêu ngọn đèn trí tuệ, soi sáng
tâm linh của Ngài và của muôn loài chúng sanh. Khi đèn trí tuệ được thắp sáng thì bóng tối vô minh đâu còn nữa, nó tự hoại trong cùng sát na, không trước cũng không sau. Khi ấy cái minh hiển bày. Ta chưa thấy mặt thực của cái minh đó ra sao, nên ta phải hết lòng học đạo, phải gắng nghe lời thầy tổ chỉ dạy, phải đem cái tánh nghe ra mà nghe. Nghe bằng ý thức là cái nghe của phàm phu. “Phản văn, văn tự tánh” là cái nghe chơn thật, là tánh nghe của Phật tánh. Nghe như thế không phải dễ. Phải gồng mình lên mà nghe, nghe trong trạng thái
thiền định, thân phải “kiết già phu tọa, đương nguyện chúng sanh”. Mọi hoạt động đi đứng nằm ngồi ta đều phải giữ tánh nghe như thế, lâu ngày trở thành yến sáng gọi là minh. Yến sáng này phóng ra chiếu khắp mười phương, không chỉ hạn cuộc trong phạm vi nhỏ hẹp xung quanh ta.
Xuất gia, tiếng Phạn gọi là Pravray, là ra khỏi nơi tăm tối, ràng buộc, rắc rối và bất an. Định nghĩa chữ xuất gia như thế có nhiều người không đồng ý. Cớ sao lại cho gia đình là nơi tối tăm, bất an. Thế cụm từ “mái ấm gia đình” nghĩa là gì, hay là hạnh phúc gia đình, hoặc là “Home sweet home” mà người Âu Mỹ thường nói ? Đối với người tu, chữ xuất gia không đơn giản là rời nhà sống kham khổ trong tu viện, mà được phân tích thành ba nghĩa rõ rệt. Thứ nhứt là xuất Hồng trần gia, cũng gọi là xuất Thế tục gia. Hồng trần gia hay Thế tục gia đều là nơi dễ tạo nghiệp nhất. Ta có khuynh hướng chạy theo ngũ dục lạc, luôn sống trong
tâm trạng bất an. Người hiểu đạo phải rời ngay căn nhà thế tục đó, và gởi thân nơi cảnh chùa. Xưa kia, chùa chiền thường được gọi là chốn không môn hay cửa không. Tiếng Phạn gọi là A Lan Nhã. Chữ ’Không’ hàm ý chỉ cái
tâm không còn thấy gì của thế gian, không tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Một khi ở chùa, phải bỏ hết tâm thế gian, tâm đời, phải y giáo phụng hành, chớ nên giữ lại những tâm hơn, tâm thua, tâm thương, tâm ghét. Nếu còn những tâm đó thì sao gọi là vào chốn không môn. Khi xưa, đức Thế Tôn tu khổ hạnh nơi rừng sâu núi thẩm, nơi đó cũng gọi là chốn không môn. Nghĩa thứ hai của xuất gia là xuất Tam
giới gia. Nghĩa này khó hiểu hơn nghĩa trên rất nhiều. Tam
giới là ba
giới : dục, sắc và vô sắc
giới. Ra khỏi nhà dục
giới thì quý vị, dù ít dù nhiều, cũng hiểu rồi, còn ra khỏi nhà ở cõi sắc và vô sắc, là những cảnh giới của cõi trời, vui sướng an lạc vô cùng, nơi mà “tưởng y y chí, tưởng thực thực lai”. Nghĩa là muốn gì được nấy. Có ai muốn ra khỏi cái nhà sung sướng như thế để làm ông thầy tu khổ hạnh ? Do đó xuất Tam giới gia có vẻ khó hiểu. Càng khó hiểu hơn, khi tuổi thọ ở cõi vô sắc lâu không thể tưởng, phước báo nhiều không thể tưởng. Lý luận như thế, ta cố tình hướng nguồn suy tưởng của ta đi theo một chiều nhất định. Ta phải nhìn vấn đề rộng sâu hơn. Nên biết, xuất gia không phải vì thiếu thốn, khổ cực, không phải vì cái gọi là thế thái nhân tình. Xưa kia, thái tử Sĩ Đạt Ta sống trong cung vàng điện ngọc, chẳng khác gì các cõi trời sắc giới, vô sắc giới, mà thái tử vẫn xuất gia, giũ bỏ một cách dễ dàng. Điều này chứng tỏ rằng, đi tu không phải vì hoàn cảnh, hay vì những khổ lụy của đời, như nhiều người tưởng. Những người như thế, sự ra đi của họ nhẹ như lông hồng. Đó
mới thật là xuất Tam Giới gia.
Tu hành, lắm lúc ta gặp nhiều thuận duyên. Ví dụ như ta xuất gia ở một ngôi chùa nào đó, vật chất quá đầy đủ. Họ trọng về ăn, mặc, ở ; nghĩa là đời sống vật chất rất dồi dào. Trong hoàn cảnh đó, người với chí “xuất trần thượng sĩ, phi tích cao tăng” thời không chấp nhận. Đó là hành động xuất tam giới gia. Bằng không, tu không đặng, tiến không lên, tâm linh trở nên lu mờ vì vật chất sung túc. Ý chí không kiên cường, không có được cái đại hùng đại lực. Nghĩa thứ ba của xuất gia là xuất Vô minh gia. Nghĩa này thật tuyệt diệu. Trong Cảnh Sách, khi luận về kẻ sĩ xuất gia, có nói “phát túc siêu phương, tâm hình dị tục”. Ý nói bước chân đến chốn siêu thoát, chốn chùa chiền thì tâm với hình phải khác thế tục. Bằng như giống thế tục, khó tu lắm. Cũng có người trong hoàn cảnh nào tu cũng được cả, để tóc kiểu nào cũng tu được hết, những người như thế tâm họ thường sáng và tịnh. Đó là nhờ thắng duyên đời trước dầy công tu trì. Trường hợp này rất hiếm. Hành động cạo tóc, mặc áo cà sa tự chúng đã là thắng duyên rồi đó. Khi đã đầu tròn áo vuông thì phải “thiệu long thánh chưởng”, để luôn luôn làm cho dòng thánh hưng thạnh. Dòng thánh là đạo Phật đó. Mà đạo Phật hưng thạnh để làm gì ? Chỉ để làm cho chúng sanh thức tỉnh, tự biết có ánh đèn sáng trong tâm. Một khi đốt lên, ánh sáng vô cùng tận. Đó là minh, là xuất vô minh gia.
Một ví dụ khác về xuất vô minh gia là hình ảnh đàn cá lội tung tăng trong nước hồ trong. Với tâm hồn thi sĩ, có lẽ ta đã ngâm lên bài thơ “Thu Điếu” của cụ Nguyễn Khuyến mất rồi.
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền con bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa bóng buông cần câu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
Rồi ta miên man nghĩ tưởng đến một phương trời xa trông nào đó, có lá vàng rơi rụng, trời xanh mây trắng. Vài chú mục đồng đang thả diều bên cánh đồng bát ngát. Khung cảnh hết sức thái bình, an lạc. Nhưng cái nhìn của người tu có khác, cũng đàn cá, cũng trong ao thu lạnh lẽo nước trong veo đó, liền phát nguyện, dùng cái điển quang của mình nói với đàn cá rằng, ta cầu nguyện cho các vị sớm thức tỉnh để phục đắc nhân thân, hầu gặp được chánh pháp của Phật mà tiến tu. Như thế
mới gọi là minh,
mới xuất được cái nhà vô minh.
Lúc đầu thầy có dẫn trong Cảnh Sách, tổ Qui Sơn nói : “thiệu long thánh chưởng, chấn nhiếp ma quân “. Thiệu long thánh chưởng để chấn nhiếp ma quân. Vì khi nơi nào có ngôi Tam Bảo, nơi đó ma chướng và phiền não đều phải thất vía hồn kinh. Ma chướng giống như bóng tối, đạo pháp giống như yến sáng. Sự tồn tại của yến sáng còn tùy thuộc vào bản nguyện của người xuất gia. Nếu ta không tinh tiến tu hành, hay tu vì hoàn cảnh, tu để được an thân, thì không thể ra khỏi nhà vô minh được. Do đó phải hết lòng hết dạ tu hành, không một phút giây rảnh rang. Chùi bên ngoài, lau bên trong, đừng cho cái vọng, cái tưởng, cái điên đảo chiếm hữu tâm ta. Đừng nghĩ ác, cũng đừng nghĩ thiện, vì còn thiện còn ác là còn vô minh. Xuất gia để cầu Phật quả, để trên đền đáp bốn ơn sâu, dưới cứu vớt ba đường khổ. Đây là đại nguyện, hết sức lớn lao, quý báu vô cùng.
“Dụng báo tứ ân” để “bạt tế tam hữu”. Tam hữu có nghĩa là ba cõi gồm cõi dục, sắc và vô sắc. Ngoài cõi sắc và vô sắc ra, cõi dục cũng có sáu từng trời. “Cứu giúp dân cõi trời, sao có chuyện lạ vậy ?”, chắc có người hỏi như thế. Dân trong cõi trời thấm nhuần trong dục lạc, phước báo quá nhiều. Thế nhưng họ vẫn khổ, khổ của chiều thuận. Nghe có vẻ khó hiểu, nhưng có được một chút yến sáng đạo tất hiểu ngay. Trong kinh có nói thà rằng nguyện về cõi Phật dầu là ở hạ phẩm hạ sanh còn hơn là cầu mong về cõi thiên cung, làm vua các vì vua. Vì sao ? Tuy là hạ phẩm hạ sanh nhưng bất thoái chuyển, cứ tiến mãi đến bậc chánh đẳng chánh giác. Còn về cõi trời, dầu là cõi cao tột cùng, cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tột độ dục lạc, hưởng vô tận thời gian về sau, rồi cũng sẽ có giây phút nào đó bị đọa lạc, vì là “luân hồi lục đạo khổ nan đương “, sanh về cõi trời vẫn còn sanh tử luân hồi.
Cuộc đời xuất gia của thái tử Sĩ Đạt Ta là tấm gương sáng cho hậu thế soi chung. Từ vua chúa chí đến hàng thứ dân buôn gánh bán bưng, từ cậu sinh viên cho đến giới ăn sương cũng có thể noi theo gương sáng của Ngài. Cuộc đời Ngài từ khi sanh cho đến nhập niết bàn, Ngài sống hoàn toàn khác với người thế gian, gọi là nghịch lưu sanh tử, vượt qua những huyền sáo của thế gian. Ngài không quên chữ hiếu, không quên bổn phận làm chồng làm cha, vì đây là những người Ngài thương nhất. Cũng vì vậy mà Ngài ra đi, một lòng một dạ tìm chơn lý. Khi đạt được đạo Ngài sẽ trở về.
- Ta sẽ trở về khi thấy đạo,
- Giải thoát nhân gian vạn thảm sầu.
và Ngài đã về, về để độ cho vua cha, và cả hoàng tộc họ Thích.
Dòng A-nô-ma sóng nhấp nhô, khởi điểm của sáu năm trường khổ hạnh. Ngài đi vào chốn rừng sâu, nơi
Sáu năm tầm đạo chốn rừng già,
Khổ hạnh ai bì Đức Thích Ca.
Chim hót trên vai, sương phủ áo,
Hưu về dưới gối, tuyết đơm hoa.
Suy cơ tạo hóa hồn mê mẫn.
Thấu lẽ huyền vi trí sáng lòa.
Hỏi thử ai tìm chơn lý ấy,
Bên bờ sông giác chỉ Thích Ca.
Bài thơ tả cảnh khổ có vẻ “thơ” quá, không lột trần được cảnh gian truân nơi chốn rừng già. Sự gian khổ những tưởng cướp đi sinh mệnh Ngài, nếu không có bầu sữa của cô bé quê. Cho nên quí vị hãy noi theo gương Ngài, giữ tâm không, để liễu ngộ vô sanh. Đi tu, nếu có thiếu cơm, thiếu gạo, chỗ ở chật chội thì cũng đừng cho đó là quan trọng. Ngược lại, nếu nói rằng tôi đã xuất gia rồi, nằm dưới đất cũng được. Đó là chấp. Vì vậy, khi xuất gia, gặp lúc thuận duyên cũng như nghịch duyên tâm vẫn như như. Ngôi Tam bảo của ta hiện đang ở vẫn còn trong thế gian, vẫn bị luật thăng trầm,
mới cũ, bỉ cực chi phối. Đó là chuyện thường. Chớ nên có tư tưởng ” có gạo đạo ở, không gạo đạo đi”. Điều quan trọng trong bước đầu tu học là làm sao cho ta luôn được tắm mát trong nguồn suối Phật pháp, uống đầy tràn những pháp vị cam lồ.
Người xuất gia thiếu phần khổ hạnh tu ắt không tiến. Vì vậy, đến ngày vía như ngày hôm nay, hai hàng Phật tử xuất gia và tại gia, trong mấy ngày liền, phát nguyện tu trì, như nguyện không ăn uống trong vài ngày, hoặc tụng một, ba, bảy, hay mười bộ Pháp Hoa v.v… để cho tâm xuất gia của mình minh mẫn đi lên. Phát nguyện rồi thực hành như thế, các nghiệp hoặc trong ta sẽ được giải tỏa. Phật giáo Tây Tạng có hình vẽ hai tay móng vuốt, ôm cái bản đồ Thập Pháp Giới, trong đó có Phật, có Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh
Văn, trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vòng tay tượng trưng cho nghiệp hoặc của mỗi người chúng ta. Cho nên tu khổ hạnh trong đời mạt pháp rất khó, không khéo chỉ vài ba hôm (tu như kiểu đức Phật ngày xưa) thì mất mạng. Mà đoản mạng yểu tử cũng chẳng tốt gì, chỉ tổn thành cô hồn các bác, chớ không thành Phật thành thánh đặng. Nhận xét cho cùng tận, tu khổ hạnh
mới giải tỏa được nghiệp.
Ví dụ như khi ta nhịn đói 2,3 ngày, có người kêu tên ta ra mà chửi, mà mắng, họ lôi giòng họ tổ tiên mình ra mà mạ lỵ. Khi ấy, chắc chắn rằng quí vị sẽ lặng yên, không chửi lại. Vì sao, vì lúc ấy đói quá, quí vị đâu còn sức lực mà hơn thua. Nếu chúng ta ăn uống đầy đủ, khi nghe ai động tới một tí thôi, tuy biết đó là giả, nhưng đạo lực chưa cao thì một ta trả lời lại hai, ba. Họ chửi ta một tiếng ta chửi lại hai, ba tiếng. Họ nói gắt gỏng, ta phái nói lại sao cho hơn cái gắt gỏng của họ. Như thế, tất nhiên ta chẳng chuyển được nghiệp. Ác nghiệp vô minh, căn bản phiền não ta đã tạo từ lũy kiếp, vì quá sâu dầy, mỗi khi ta bị nói động tới cái ngã, thì giận hờn, buồn phiền nổi lên. Hãy cố gắng hiểu thấu đáo cụm từ “xuất vô minh gia”. Hiểu được, tu mới đặng. Người có chửi ta, mắng ta, khen ta v.v… tâm vẫn từ bi hỷ xả. Giữ cho được nhất tâm. Chớ để vọng tâm ngự trị. Trong Duy Thức, có 11 món Thiện tâm sở, 6 Căn bản phiền não, 20 Tùy phiền não. Khi phiền não nổi lên, ta biết và nhận diện từng anh một. Chận chúng lại, chuyển hóa chúng. Đó là biết tu. Chỉ người có đạo lực mới chuyển nổi phiền não thành bồ đề. Bằng không sẽ bị chúng dẫn, chúng bảo sao thì làm vậy. Ta phải làm chủ phiền não. Pháp Phật cao siêu mầu nhiệm, trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp, nay được cơ duyên lãnh thọ, ta phải nguyện tu trì.
Một khi hành trì, thâm nhập trọn vẹn yếu nghĩa Phật pháp, Phật tánh sẽ hiển lộ. Nhưng ngược lại, khi sự tu trì tương đối vững vàng, nhưng chưa thâm nhập, lúc bấy giờ, năm ấm ma hiển lộ. Cho nên, ta cần phải học đạo là vậy, để biết đâu là giả, đâu là thật, không chạy theo vọng tưởng điên đảo. Người xuất gia phải dẹp cho được tam độc tham sân si. Tham lớn tham nhỏ, tham đời tham đạo, sân lớn sân nhỏ, si lớn si nhỏ, vi tế hay thô thiển đều phải dẹp. Dẹp để thay vào đó tam vô lậu học, giới định huệ. Ngõ hầu thành tựu thánh đạo, khỏi cô phụ chí xuất gia của mình.
Trong luật, Phật có dạy “Xuất gia hoằng thánh đạo, thệ độ nhất thiết nhơn”. Tự giác rồi giác tha, tự lợi rồi lợi tha, tự nhiên như ăn bánh uống trà vậy, không để qua một đời khác. Đó là hạnh nguyện của đại thừa giáo, “truyền đăng tục diệm, tổ tổ truyền thừa”, tiếp nối ngọn đèn chánh pháp, chiếu tỏ khắp nơi. Tăng cũng như ni không căn cứ vào hình thức hay nghiệp lực, mà chỉ chú trọng vào Phật tánh của từng người. Nhờ đi thẳng vào Phật tánh mà nó vượt qua tất cả.
Ngoài kinh, luật, luận ta còn phải học cái sống động nhất của thầy tổ để truyền pháp lợi sanh. Ta không cầu gì hơn, cốt để gìn giữ ngôi nhà chánh pháp, để Phật chủng bất đoạn. Vấn đề hành đạo và truyền đạo, nhất là ở xứ Tây Phương rất tế nhị, vi tế và sâu sắc. Muốn làm được vậy, ta phải chú tâm học hỏi, để ý từng chi tiết nhỏ trong khi ta còn đang y giáo với thầy tổ. Để rồi sau này mình sẽ làm như vậy hoặc hơn. Học nơi thầy tổ cái thể thức làm đạo, nhưng không phải rồi ù lì chấp chặc theo thể thức đó. Ta phải biết sáng tạo. Trong nhà Phật gọi là “tự nhiên trí”, “vô sư trí”, miễn sao không sai lệch chánh pháp. Hãy ghi nhớ điều đó, thầy ân cần nhắc nhở quí vị.
Tóm lại, ta kỷ niệm ngày xuất gia của thái tử Sĩ Đạt Ta để hiển lộ rõ nét ý nghĩa xuất gia của Ngài. Chúng ta, những người xuất gia, cũng đang đi trên con đường Ngài đã đi qua. Cũng một chuyến đi, mà Ngài thành công rực rỡ, còn chuyến ra đi của chúng ta sao lại trì trệ, có khi đi ngược lại đường cũ, tức là nhập lại gia, hay là nhập đời. Có ai trong chúng ta đã một lần suy nghĩ như thế chưa ?
Thiết nghĩ, những ngày kỷ niệm như thế này giúp ta ôn lại đường hướng tu hành. Thí dụ như đến ngày lễ vía đức Quan Âm, thì ta ôn lại xem cái tâm đại bi của mình có ứng dụng chưa, hễ ứng dụng tràn trề là hiện thân của đức Quan Thế Âm. Tới ngày vía đức Phổ Hiền, ta kiểm điểm lại hạnh nguyện của ta có đầy đủ chưa, hễ đầy đủ là đạt đạo. Đó là chỗ thiết yếu thầy ân cần nhắc nhở quí vị, mong sao quí vị thực hành cho được ý nghĩa của hai chữ xuất gia, nhất định ra khỏi nhà thế tục, để vào nhà Chân Không. Các chuyện thị phi, thành bại, tốt xấu đều dẹp sạch, quyết không để trong tâm của người xuất gia. Cuối cùng là phải ra cho được căn nhà vô minh. Việc gì mà ta làm không đúng với kinh, luật, luận của Phật, tổ đều là vô minh. Một cái đi của người xuất gia, đi không đúng, cái đứng, đứng không đúng, nằm, ngồi, ăn, nói v.v… đều là còn vô minh. Làm gì cũng phải đúng với oai nghi tế hạnh, chớ không có nói lời bông lung, bạ đâu nói đó, xấu cũng nói, tốt cũng nói, mất đi phẩm cách của người tu.
Kế đến, trong Cảnh Sách, tổ Qui Sơn có dạy “Bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ, bất ưng tự khinh nhi thối khuất”, kia đã là bậc trượng phu, đã xuất gia thành Phật, thì ta cũng là trượng phu chớ khinh mình mà thoái chuyển. Đừng viện lý do mình ốm yếu, thân nữ, phàm phu v.v… những cái thân đó là bên ngoài, còn cái điển quang bên trong thì không có già yếu, lớn nhỏ, nam nữ. Do đó, ta phải quyết liệt mà đi tới nơi tới chốn, chớ để bước đầu sơ tâm dõng mãnh, tu một đổi nghiệp chướng nổi lên, rồi chúng trở lại điều khiển mình.
Cho nên phải gắng :
’Ngày đêm tinh tấn tu hành,
Là người Phật tử tinh thành trước sau.
Rõ ràng Phật pháp nhiệm mầu,
Trời cao khó sánh, biển sâu nào bằng !’
Sánh với gì ? Bằng với gì ? Là sánh, bằng với vị Phật ở trong ta. Cái tâm sáng đó, phải theo đó mà tu, tinh tấn luôn luôn. Ngoài tu phước trong tu huệ, không một phút giây bỏ trống.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét