A. PHẬT PHÁP – BÀI 6
CHÂM NGÔN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM (GDDPTVN)
I-/ CHUẨN BỊ
Một vài mẫu văn bản hành chánh của GĐPT như: thư mời dự chu niên, đơn xin gia nhập, chứng chỉ trúng cách…
II-/ GIỜ HỌC
1. Giới thiệu:
Cuộc đời con người có thể ví như con thuyền giữa biển mênh mông, không biết nơi nào là bến, cần có la bàn định hướng. Với GĐPT, la bàn đó chính là châm ngôn Bi – Trí – Dũng. Em từng thấy các từ này ghi liền nhau trong văn bản nào? (Giới thiệu các mẫu văn bản hành chánh có ghi châm ngôn).
2. Em suy nghĩ.
- Châm ngôn GĐPT là gì?
- Thế nào là Bi? Trí? Dũng?
- Vì sao Bi, Trí, Dũng phải có mặt đầu đủ mỗi đoàn sinh GĐPT?
- Em thực hành châm ngôn Bi – Trí – Dũng ra sao?
3. Em cần nhớ
Châm ngôn của GĐPT Việt Nam là Bi – Trí – Dũng:
BI: trong nghĩa từ bi (cho vui, cứu khổ). Học theo hạnh từ bi của Phật và chư vị Bồ tát, người Phật tử không thể thản nhiên trước nỗi khổ đau của người khác (kể cả loài vật). Cho dù với hành động nhỏ nhặt tầm thường mà diệt trừ khổ đau, đem an vui đến cho người và vật ta quyết không chối từ.
TRÍ: trong nghĩa trí tuệ (hiểu biết, sáng suốt, không bị vô minh che lấp). Người Phật tử không cam tâm chịu dốt, sống trong u mê mà phải luôn tìm tòi, học hỏi đúng chánh pháp, chân lý. Ngoài ra còn phải giúp mọi người được học hỏi, hiểu biết như mình
DŨNG: trong nghĩa dũng mãnh tinh tấn (không yếu đuối, ương hèn, biếng nhác). Là đoàn sinh GĐPT, em phải luôn cố gắng, kiên trì, vượt mọi chướng ngại, thử thách để tiến đến giác ngộ, phải dám nghĩ, dám làm.
Bi – Trí – Dũng phải phối hợp, hỗ trợ, nương vào nhau. Bi thiếu Trí, Dũng có thể trở thành nhu nhược, sai lầm. Trí, dũng không Bi sẽ luôn nguy hiểm, gây khổ cho nhau. Có Bi – Trí mà thiếu Dũng thì Bi – Trí ấy vô dụng. Dũng không Bi – Trí sẽ hành động sai lầm, độc ác…
4. Em thực hành
- Em yêu thương tất cả mọi người, mọi loài, luôn quan tâm giúp đỡ người khác vượt khó, vượt khổ, tìm được sự an lạc.
- Em cố gắng trau dồi kiến thức, học hỏi giáo pháp để thấy rõ chân lý
- Em cố gắng tu tập, không ngại khó, ngại khổ trên đường thực hiện lý tưởng giác ngộ.
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét